Điều 10. Báo cáo kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ
Định kỳ 6 tháng, một (01) năm bộ phận Quản lý rủi ro thuộc cơ quan thuế cấp dưới có trách nhiệm thu thập thông tin, thực hiện đánh giá và tổng hợp kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để báo cáo cơ quan thuế cấp trên cùng với báo cáo kết quả công tác thuế. Báo cáo bao gồm:
1. Đánh giá kết quả thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
a) Nội dung, chất lượng thông tin thu thập.
- Tính đầy đủ, kịp thời của công tác thu thập thông tin.
- Hiệu quả cũng như vướng mắc bất cập trong thu thập thông tin phục vụ đánh giá rủi ro, tuân thủ người nộp thuế.
b) Báo cáo đánh giá thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
- Thực hiện rà soát, đánh giá việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế một cách thường xuyên liên tục:
+ Xem xét hiệu quả của các biện pháp áp dụng quản lý rủi ro trong từng nghiệp vụ thuế.
+ Tổng hợp tình hình thực hiện việc áp dụng bộ chỉ số tiêu chí; đánh giá tính phù hợp của bộ chỉ số tiêu chí đang sử dụng.
+ Tổng hợp các kiến nghị đề xuất điều chỉnh, bổ sung chỉ số tiêu chí do các công chức, các đơn vị đề xuất trong năm; đánh giá kết quả, mục tiêu, yêu cầu quản lý của cơ quan thuế.
+ Tổng hợp các đề xuất về hướng hoàn thiện công tác quản lý rủi ro trong tương lai để có thể đáp ứng hơn nữa yêu cầu quản lý thuế nhằm thực hiện và nâng cao tính công bằng trong quản lý thuế và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.
- Ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro đưa ra các kết quả báo cáo sau:
+ Tổng hợp kết quả phân loại, đánh giá người nộp thuế theo mẫu số 08/QTr-QLRR.
+ Tổng hợp số lượng các chỉ số tiêu chí phân loại, đánh giá người nộp thuế phát sinh thực tế sau khi áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo mẫu số 09/QTr-QLRR.
+ Báo cáo đánh giá chỉ số tiêu chí theo mẫu số 10/QTr-QLRR.
+ Kết quả áp dụng các biện pháp quản lý thuế giữa kế hoạch và thực tế thực hiện theo mẫu số 12/QTr-QLRR.
c) Công chức quản lý rủi ro khai thác dữ liệu từ các mẫu biểu ban hành kèm theo Quy trình này để phục vụ cho việc xem xét đề xuất điều chỉnh chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế cho kỳ đánh giá tiếp theo. Trong đó:
- Rà soát kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế tại các mẫu số 02/QTr-QLRR, 03/QTr-QLRR, 04/QTr-QLRR và kết quả sau khi áp dụng các biện pháp quản lý thuế của từng người nộp thuế tại các mẫu số 02-2/QTr-QLRR, 03-2/QTr-QLRR, 04-2/QTr-QLRR để xác định các chỉ số tiêu chí có nhiều người nộp thuế vi phạm và phát hiện ra các dấu hiệu rủi ro khác (nếu có).
- Xem xét kết quả so sánh giữa kết quả đánh giá rủi ro và kết quả sau khi áp dụng các biện pháp quản lý thuế tại mẫu số 10/QTr-QLRR để đánh giá hiệu quả, độ chính xác của các chỉ số tiêu chí cũng như kết quả đánh giá rủi ro.
- Đề xuất loại bỏ các chỉ số tiêu chí chưa phù hợp, bổ sung các chỉ số tiêu chí mới theo mẫu số 11/QTr-QLRR ban hành kèm theo Quy trình này.
2. Giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ.
- Kết quả thực hiện các biện pháp nâng cao tuân thủ được đo lường thông qua việc đánh giá tỷ lệ đạt được về: Ý thức tuân thủ các chính sách thuế của người nộp thuế, tuân thủ các quy định liên quan đến thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, hiệu quả trong việc thực hiện đạt số thu ngân sách nhà nước hàng năm và tỷ lệ hài lòng của người nộp thuế đối với chính sách thuế hiện hành.
- Báo cáo đánh giá việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ qua hiệu quả của kế hoạch tiếp cận tuyên truyền, hỗ trợ và hiệu quả của biện pháp xử lý đối với khả năng tuân thủ của người nộp thuế theo mẫu số 13/QTr-QLRR.
3. Ban Quản lý rủi ro có trách nhiệm xây dựng và trình Tổng cục Thuế phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc thực hiện và áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Việc kiểm tra đánh giá được thực hiện theo kế hoạch hàng năm và phát sinh theo yêu cầu quản lý.
4. Hàng năm, Ban Quản lý rủi ro tổng hợp chung, báo cáo Tổng cục Thuế về kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và hiệu quả thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ.