Điều 1. Công tác kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm giúp Tổng Giám đốc trong việc quản lý thực hiện chế độ, chính sách, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Bảo hiểm xã hội tỉnh) có nhiệm vụ kiểm tra và phối hợp với các tổ chức thanh tra, kiểm tra khác để kiểm tra các hoạt động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong phạm vi quyền hạn được giao.
Điều 2. Đối tượng kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là các đơn vị thuộc sự quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn vị sử dụng, quản lý người tham gia BHXH, BHYT, cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH, cá nhân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đối tượng kiểm tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, hồ sơ, tài liệu đã cung cấp; có trách nhiệm thực hiện quyết định xử lý kiểm tra; có quyền giải trình trong quá trình kiểm tra và khiếu nại quyết định xử lý kiểm tra.
Điều 3. Tổ chức kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam bao gồm:
- Ban Kiểm tra trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Phòng Kiểm tra thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Ban Kiểm tra chịu sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và thực hiện quyền kiểm tra trong phạm vi cả nước.
Phòng Kiểm tra chịu sự chỉ đạo của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thực hiện quyền kiểm tra trong phạm vi tỉnh đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Ban Kiểm tra.
Điều 4. Hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời.